Kì tích người đàn ông ‘không vợ, không con’ nhưng có hơn 200 người gọi là cha, lý do khiến ai cũng xúc động

 

Kì tích người đàn ông ‘không vợ, không con’ nhưng có hơn 200 người gọi là cha, lý do khiến ai cũng xúc động

Gần 25 năm thành lập gia đình Mùa Xuân, ông Trần Hoàng Minh đã cưu mang, dạy nghề cho hàng trăm người khuyết tật. Trong đó nhiều anh chị đã trở thành VĐV thể thao xuất sắc, giành vô số huy chương ở trong nước và quốc tế.

“Mùa xuân” đầu tiên 

Năm 2000, trên hành lang bệnh viện có một cô gái bị liệt hai chân đang ngồi khóc nức nở. Ông Trần Hoàng Minh vội vàng chạy đến an ủi gái.

“Các chị ở đây nói rằng bác sẽ đi luôn, bỏ cháu ở đây một mình” – Minh Lý vừa khóc vừa tủi thân nói.

“Lúc đó tôi thấy đau xót kinh khủng, nước mắt tôi chảy dài” – ông Minh bồi hồi nhớ lại.

Đó là giây phút bắt đầu của câu chuyện dài gần 25 năm của ông Minh – người lập nên gia đình Mùa Xuân, nơi cưu mang hơn 200 người khuyết tật. Mái ấm này đã nuôi dưỡng nhiều vận động viên xuất sắc, đóng góp hơn 1.000 huy chương vào sự nghiệp thể thao dành cho người khuyết tật của Việt Nam.

Ở tuổi ngoài 80, mái tóc của ông Trần Hoàng Minh đã bạc phơ nhưng ông vẫn còn minh mẫn và kể rành mạch từng giai đoạn trong câu chuyện của gia đình Mùa Xuân.

Ông Minh sinh ra trong một gia đình có truyền thống giúp đỡ những người kém may mắn. Cha mẹ luôn dạy ông phải biết yêu thương, sẻ chia với những người yếu thế hơn mình. Năm 1953, ông theo người thân vào miền Nam ở rồi làm đủ thứ nghề từ quét vôi, thợ điện, thợ sửa đồ điện tử…

Tuy không được đến trường lớp học hành chính quy nhưng ông Minh tự mày mò học mọi thứ. Để làm nghề thợ sửa điện, ông tự mua sách điện tử về nghiên cứu và đi theo người khác học nghề. Cả cuộc đời ông mưu sinh bằng cách đi làm thuê và ở trọ, ông cũng không lập gia đình.

Năm 1999, lúc này ông đã ngoài 50 tuổi. Một người cháu họ của ông kể rằng có một người bạn vẽ đẹp, ước mơ theo đuổi ngành vẽ nhưng bị khiếm khuyết.

“Tôi mới bảo cháu giới thiệu bạn lên Sài Gòn, tôi giúp được gì thì sẽ cố gắng để giúp. Đó là em Nguyễn Thị Minh Lý, bị liệt hai chân, là học trò và cũng là đứa con đầu tiên của tôi. 

Lý lên Sài Gòn để học vẽ, ở quê Lý không được học ở trường lớp chính quy nên không đủ điều kiện để thi vào trường mỹ thuật. Tôi tìm lớp dạy thêm của cô giáo trường mỹ thuật và gửi Minh Lý vào học. Sau một thời gian, Minh Lý đi làm thợ vẽ ở một cửa hàng bán tranh” – ông Minh kể.

Ông Minh bên cạnh chị Minh Lý, vận động viên khuyết tật giành được 3 HCV Para Games.

Năm 2002, có vài người quen giới thiệu về cuộc thi hát dành cho người khuyết tật. Nhờ cuộc thi hát đó, ông Minh biết bên đoàn thể thao cho người khuyết tật đang thiếu vận động viên.

Năm 2003, chị Minh Lý quyết định học bơi, ông Minh nhận thấy cô có tiềm năng nên hỗ trợ cô học bơi và đăng ký tham gia các cuộc thi thể thao. Sau đó, Lý tham gia Para Games và giành 3 HCV. Báo chí, truyền hình liên tiếp đưa tin về cô gái trẻ đầy nghị lực này, cuộc đời của Lý cũng rẽ sang trang mới.

“Minh Lý là học trò đầu tiên nên tôi thương em lắm. Suốt một năm trời ngày nào tôi cũng chở Lý đến nhà bác sĩ để bấm huyệt, xoa bóp chân. Sau một năm, bác sĩ thấy chân của Minh Lý có dấu hiệu tốt hơn trước liền đề nghị đến bệnh viện làm cái nẹp. Đến bệnh viện lớn thì bác sĩ khuyên mổ để nắn chân cho thẳng, làm nẹp sẽ dễ đi hơn. 

Lúc bấy giờ, tôi chỉ có vài trăm ngàn đồng trong túi trong khi tiền mổ chân là hai triệu đồng. Tôi mới bảo Minh Lý ngồi chờ để tôi chạy đi lấy tiền đóng viện phí. Lúc quay trở lại thì tôi thấy Minh Lý ngồi khóc. Minh Lý kể ở đây các chị bảo bác đi rồi không tới nữa đâu. Lúc đó tôi thấy đau xót kinh khủng, nước mắt tôi chảy dài. 

Năm 2004, Minh Lý gặp được chồng hiện tại. Hôm đó cha mẹ Lý bảo đưa em xuống nhà bạn trai để xem mắt thì tôi không đồng ý. Vì Lý là con gái, đi lại bất tiện, nếu nhà trai có thành ý thì nên chủ động tới nhà em để bàn chuyện cưới xin. Dẫu em có bị khuyết tật thì em vẫn là con gái, có danh dự của mình. Sau đó nhà trai tới bàn bạc và hai đứa nên duyên vợ chồng” – ông Minh xúc động nhớ lại.

Mái nhà của những tâm hồn đầy khát vọng sống

Sau khi Minh Lý nổi tiếng, nhiều anh chị biết đến ông Minh và ngỏ lời muốn đến Sài Gòn để học nghề. Ông Minh quyết định thành lập nên gia đình Mùa Xuân, hỗ trợ dạy nghề cho những người khuyết tật.

Ở gia đình Mùa Xuân, ông Minh kết nối với những công ty, những người có chuyên môn đến dạy miễn phí cho các thành viên. Những nghề như thêu, đan, kết cườm, tranh giấy xoắn…là những nghề hợp với sức lực với người khuyết tật và họ có thể nhận hàng để gia công tại nhà.

Gia đình Mùa Xuân tổ chức sinh nhật ấm áp cho các thành viên.

Ngoài dạy nghề và kiếm việc làm cho các anh chị, ông Minh còn khuyến khích họ tham gia thể thao để rèn luyện sức khỏe. Bên cạnh đó, việc giành được huy chương sẽ giúp các vận động viên có thêm một nguồn thu nhập và có nhiều cơ hội để thay đổi cuộc đời.

Vận động viên Nguyễn Thị Sari kể: “Tôi gặp bác Minh khi làm công việc cắt chỉ ở xưởng thêu vi tính. Bác Minh thấy tôi khó khăn nên nhận về cưu mang tại gia đình Mùa Xuân. Bác giúp tôi học bơi và trở thành vận động viên quốc gia. Nhờ đó mà tôi đã có cơ hội được học đại học.

Tôi còn nhớ những ngày đi học bơi, xe chết máy, trời thì mưa lớn nhưng bác vẫn cố gắng đưa tôi đến hồ bơi không thiếu ngày nào. Tôi thương bác Minh và thấy có thêm động lực để thành công, đền đáp công ơn của bác”.  

Với Sari, bác Minh như một người cha đỡ đầu, giúp đỡ cô trong khoảng thời gian khó khăn nhất.

25 năm trôi qua, số thành viên đã đến gia đình Mùa Xuân khoảng hơn 200 người. Mỗi người có một hoàn cảnh riêng, đến từ khắp mọi nơi trên đất nước. Nhờ mái ấm này mà họ đã vượt qua mặc cảm, được học nghề để mưu sinh.

“Khi thành lập cơ sở mùa xuân, tôi không có tiền nhiều, chỉ đủ tiêu xài cá nhân. Lúc mới thành lập, tôi lo đến đâu hay đến đó. Một phần rất lớn là nhờ nhiều người xung quanh giúp đỡ. Có sức nào thì mình giúp được tới đó, ra chợ người ta thấy thì người ta cho rau, cá. Trong 7 năm đầu, tôi tự lo từng bữa cho các em. Đến năm 2006, các em học nghề xong, có thu nhập thì các em tự lo được việc ăn uống cho mình” – ông Minh tâm sự.

Sau hơn 20 năm, những đứa con của ông Minh nay đã trở thành những vận động viên xuất sắc với hơn 1.000 huy chương trong nước và quốc tế. Nhiều người nhờ học nghề ở cơ sở nên đã có thể tự mưu sinh, nuôi sống chính mình và vượt qua được mặc cảm số phận kém may mắn.

“Tôi nói các con ở đây, với bác mục đích là để các con vui nên mới đặt tên là gia đình mùa xuân. Tôi luôn nhắc các con phải chủ động, học lấy một cái nghề để tự lo cho mình, làm chủ cuộc đời mình. 

Nguyên tắc chung là thương yêu, đùm bọc và giúp đỡ nhau. Các em khoẻ đỡ đần các em yếu. Nhờ có nghề nghiệp và được chung sống với các anh, chị cùng hoàn cảnh nên các em dần mất đi các mặc cảm. Em nào có ít thì đóng góp một vài trăm tiền ăn uống, các em vui vì có thể đóng góp, chứng minh mình có khả năng lao động. Khi các em có cái nghề, tự kiếm tiền xài thì tự chủ, tự lập. 

Nguyên tắc là không cho con cá mà cho cần câu. Tôi thấy cuộc đời có nhiều người khổ lắm rồi, các em khuyết tật thì còn khổ nhiều hơn. Bố mẹ đi làm về thấy con mình ngồi một chỗ buồn bã thì trong lòng cũng đau xót lắm. Cho nên tôi thấy học nghề là cách để các em xoá đi nỗi buồn tủi thân phận và sống vui vẻ hơn” – ông Minh nói.

Gần 25 năm cống hiến thầm lặng của ông Minh, người đã phát hiện và nâng đỡ nhiều tài năng thể thao nước nhà.

Niềm hạnh phúc của cả cuộc đời của ông Minh là có thể giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhìn những đứa con trưởng thành, dựng vợ gả chồng. Nhờ vậy mà đến nay, ông Minh đã có hơn 50 đứa cháu dù không chung huyết thống.

Ở tuổi ngoài 80, tuy không còn khoẻ mạnh để nuôi dưỡng gia đình Mùa Xuân như hơn 20 năm trước, ông Minh vẫn thầm lặng làm một “cây cổ thụ” che chở cho những đứa con, đứa cháu khắp mọi miền đất nước của mình.