Diếp cá không chỉ là một loại rau ăn, ai đã biết ăn thì lại ghiền... mà còn là một vị thuốc quý chữa một số bệnh rất hiệu nghiệm.
Cây diếp cá còn có tên là cây lá giấp, ngư tinh thảo.
Tên khoa học Houttuynia cordata Thumb. Thuộc họ Lá giấp Saururaceae.
Cây diếp cá là một loại cỏ nhỏ, mọc lâu năm, ưa chỗ ẩm ướt có thân rễ mọc ngầm dưới đất. Rễ nhỏ mọc ở các đốt, thân mọc đứng cao 40cm, có lông hoặc ít lông.
Lá mọc cách, hình tim, đầu lá hơi nhọn hay nhọn hẳn. Hoa nhỏ màu vàng nhạt, không có bao hoa, mọc thành bông, có 4 lá bắc màu trắng. Trông toàn bộ bề ngoài của cụm hoa và lá bắc giống như một cây hoa đơn độc.
Toàn cây vỏ có mùi tanh như cá. Hoa nở về mùa hạ vào các tháng 5, 8.
Cây diếp cá mọc hoang ở khắp nơi ẩm thấp trong nước ta. Nhân dân thường hái về ăn với cá. Toàn cây hái về dùng tươi hay phơi khô hoặc sấy khô.
Trong cây có chừng 0,0049% tinh dầu và một ít chất alkaloid gọi là cordalin. Thành phần chủ yếu của tinh dầu là metylnonyxetol (có mùi rất khó chịu), chất myrcen, acid caprinic và laurinaldehyt.
Hoa và quả chứa chất isoquercitrin và không chứa quercitrin.
2. Tác dụng dược lý
Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi diếp cá có tác dụng lợi tiểu, tính chất lợi tiểu này do chất quercitrin và các chất vô cơ chứa trong diếp cá. Dung dịch có 1/100.000 phân tử lượng quercitrin vẫn còn có tác dụng lợi tiểu rất mạnh. Chất isoquercitrin cũng có tác dụng lợi tiểu (Nhật dược chí 1963).
Một ý kiến khác cho rằng những dẫn xuất của dioxyflavonon đều có tính chất của rutin, nghĩa là tăng sức chịu đựng của vi ti huyết quản làm cho huyết quản khó đứt vỡ (Nhật dược chí 1951).
Chất cordalin có tác dụng kích thích da, gây phồng.
3. Công dụng và liều dùng
Tính vị theo Đông y: Diếp cá cay, hơi lạnh, hơi có độc, vào phế kinh; có tác dụng tán nhiệt, tiêu ung thũng, dùng chữa phế ung, ngoài dùng chữa ung thũng, trĩ, vết lở loét.
Nhân dân dùng cây diếp cá trong những trường hợp tụ máu như trong bệnh trĩ lòi dom (sắc uống nước với liều 6 – 12g đồng thời sắc nước lấy hơi xông rồi rửa). Nhiều người dùng thấy hiệu nghiệm.
Ngoài ra, diếp cá còn có tác dụng thông tiểu, chữa bệnh mụn nhọt, kinh nguyệt không đều.
Liều dùng trung bình: 6-12g một ngày (sắc, bột viên).
3.1 Chữa viêm sưng tai giữa, tắc tia sữa:
Đơn thuốc kinh nghiệm dùng cây diếp cá: Cây diếp cá khô 20g, táo đỏ 10 quả, nước 600ml. Sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
Ngoài ra, diếp cá còn có các tác dụng sau:
3.2 Hỗ trợ trị bệnh đai tháo đường: Trong rau diếp cá chứa có ethanol và thành phần chống đái tháo đường, có khả năng ổn định lượng đường trong máu của cơ thể con người.
3.3 Giúp kiểm soát cân nặng: Nước rau diếp cá có tác dụng kiểm soát cân nặng, phù hợp cho những người ăn kiêng, chống béo phì.
3.4 Giải độc cơ thể: Ăn rau diếp cá để lợi tiểu. Từ khả năng lợi tiểu, rau diếp cá còn giúp thải trừ các độc tố, thanh lọc cơ thể.
3.5 Hỗ trợ điều trị bệnh viêm phổi và các bệnh nhiễm trùng: Rau diếp cá có thể được dùng để hỗ trợ điều trị viêm phổi hoặc chữa các bệnh liên quan đến nhiễm trùng vì nó có thành phần kháng khuẩn.
3.6 Tăng cường sức đề kháng cho con người: Ăn rau diếp cá một cách hợp lý có thể giúp cho con người tăng cường được hệ miễn dịch, kích thích sản sinh ra các tế bào bạch huyết.