Điều kiện người không lương hưu được giảm tuổi hưởng trợ cấp xã hội

 Thay vì phải chờ đến 80 tuổi như hiện nay, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đề xuất giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội 5 tuổi so với quy định hiện nay.

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi trình Quốc hội lần đầu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Trong đó, nội dung sửa đổi về trợ cấp hưu trí xã hội nhận được nhận được sự quan tâm.

Theo quy định của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định sẽ hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, trong đó, người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng sẽ được nhận trợ cấp là 360.000 đồng/tháng.

Hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP với mức đề xuất nhận trợ cấp là 500.000 đồng/tháng.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đề xuất giảm 5 tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội so với hiện hành.

Theo đó, dự thảo quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Quy định này thể chế hóa chủ trương Nghị quyết 28, nhằm phấn đấu đạt mục tiêu Trung ương giao đến năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Người dân nhận lương hưu hàng tháng (Ảnh: Hoa Lê).

Bên cạnh đề xuất giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, một điểm mới nữa trong dự thảo Luật phải kể đến bổ sung tầng hưởng trợ cấp hàng tháng do Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả.

Theo đó, dự thảo Luật bổ sung quy định người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động; đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Theo cơ quan soạn thảo, quy định này giúp tăng thêm đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng mà ngân sách nhà nước không phát sinh tăng nhiều.

Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 5 năm, nếu không hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì có thể được hưởng trợ cấp hằng tháng (với mức thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội) ngay từ khi đủ tuổi nghỉ hưu thay vì phải chờ đến 75 tuổi.

Dự kiến, tổng số người được hưởng quyền lợi từ chính sách này tăng lên trên 800.000 người do giảm tuổi và khoảng 300.000 người do liên kết tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng bảo hiểm xã hội cơ bản (bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện).

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp tháng 5/2024, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Chiều 6/3, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đồng chủ trì buổi làm việc với Thường trực cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, theo kế hoạch, Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 31.

https://dantri.com.vn/an-sinh/dieu-kien-nguoi-khong-luong-huu-duoc-giam-tuoi-huong-tro-cap-xa-hoi-