Khi cô giáo mầm non “đeo mặt nạ”, h.ôn hí.t đón trẻ, khép cửa là…oá.nh

 

Khi cô giáo mầm non “đeo mặt nạ”, hô.n hí.t đón trẻ, khép cửa là… đá.nh



Không chỉ đến sự việc chủ nhóm lớp Tí Bo đánh, đè lên người trẻ nhét đồ ăn gây bức xúc, đã quá nhiều vụ việc có chung mẫu số cô giáo mầm non cười tươi khi đón trẻ, khuất mắt là… đánh.

“Bất ngờ”, “khó tin” là tâm trạng của nhiều phụ huynh gửi con tại nhóm lớp Tí Bo (TP Thủ Đức, TPHCM) trước sự việc chủ nhóm lớp Lâm Thị Bạch Nga đánh, tát, ngồi đè lên người để nhét đồ ăn vào miệng trẻ.

Có phụ huynh khi thấy clip bạo hành trẻ này trên mạng xã hội, còn nghĩ “chắc nơi nào đó”, không tin nổi là nơi con mình đang theo học.

Chủ nhóm lớp Tí Bo Lâm Thị Bạch Nga đánh, ngồi đè lên người để nhét đồ ăn vào miệng trẻ (Ảnh cắt từ clip).

Chị B.D., mẹ của một trong hai bé trai bị chủ nhóm lớp bạo hành trải lòng khi phụ huynh đến cơ sở này tìm hiểu để gửi con, bà Nga đón tiếp với nụ cười, vẻ mặt vô cùng nhiệt tình, thân thiện.

Chính bà chủ trường nói với bố mẹ: “Ở đây, không bao giờ có chuyện giáo viên đánh đập, bạo hành trẻ”.

Phụ huynh yên tâm gửi con không hề nghi ngại. Ngay như chị D., ngay khi con có những biểu hiện bất ổn như ngủ mớ, giật mình, hoảng sợ, khóc thét… vẫn  không thể hình dung ra việc con bị bạo hành ở lớp.

Chỉ cho đến khi clip bà chủ nhóm lớp bạo hành con xuất hiện trên mạng, chị mới vỡ òa với cảnh tượng ở góc lớp, con bị chính chủ trường đánh đập cùng những hành vi vô cùng thô bạo.

Không chờ đến vụ bạo hành ở nhóm lớp Tí Bo, đã không ít vụ việc giáo viên mầm non bạo hành trẻ theo công thức “phía ngoài cười tươi, vào trong là… đánh”.

Nhiều giáo viên tươi cười, vui vẻ khi đứng trước cổng trường, cổng lớp đón trẻ từ phụ huynh. Nhưng chỉ lúc sau, khi quay vào bên trong, kéo cánh cửa trường, cửa lớp xuống là.. “ra đòn” trên những đứa trẻ.

Nhiều năm trước, tại TPHCM cũng từng chấn động với vụ bạo hành trẻ tại cơ sở Mầm Xanh, quận 12. Nơi đây, trở thành địa ngục trần gian của nhiều đứa trẻ trong thời gian dài chúng bị chủ trường, bảo mẫu đánh, tát, lấy can nhựa gõ vào đầu, vào người mọi lúc mọi nơi, dùng dao gõ đe dọa làm trẻ khóc thét…

Khi sự việc được phanh phui, phụ huynh… bật ngửa. Bởi mỗi sáng đưa con đến lớp, điều họ nhìn thấy là nụ cười tươi rói của giáo viên, bảo mẫu dang tay đón trẻ, hôn hít các con. Chiều về, các cô lại vẫy tay bịn rịn, tạm biệt những đứa con thơ.

Đặc biệt, theo phụ huynh, chủ cơ sở Phạm Thị Linh nói ngọt như mía lùi, luôn nói yêu trẻ tha thiết, nghe rồi chỉ có… nghiện. Cô còn tỏ thái độ kiên quyết sẽ đuổi việc bất cứ ai làm việc ở chỗ mình dám đánh trẻ.

Nhiều vụ bạo hành trẻ mầm non làm phụ huynh… té ngửa vì các cô hàng ngày đón phụ huynh rất vui tươi, thân thiện (Ảnh : Hoài Nam).

Vậy nhưng, trong lớp học, chính cô Linh là người ra tay tàn bạo nhất. Cô ta dùng can nhựa đánh trẻ, lấy chân đạp vào người những đứa bé 2-3 tuổi, cầm dao gõ đầu và hù dọa trẻ…

Mẫu số “cô giáo mầm non bên ngoài tươi cười, khuất mắt là đánh” làm nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng khi tìm trường cho con. Cô nào cũng nói yêu trẻ, thương trẻ nhưng có khi chỉ cần đóng cánh cửa lớp lại, đã là một thế giới khác của cô và trò.

Cô gào thét, đánh đập, chửi bới. Còn trò sợ hãi, hoảng loạn…

Bức tranh đó phần nào vẽ đậm thêm về áp lực của công việc chăm sóc trẻ nhỏ, của nghề giáo viên mầm non. Đã có không ít nghiên cứu, khảo sát đề cập đến tình trạng suy kiệt của giáo viên mầm non do ảnh hưởng của môi trường, căng thẳng, áp lực, quá tải…

Nhiều người trong nghề cũng cảnh báo tình trạng giáo viên mầm non “từ cừu hóa cáo” chỉ sau một thời gian gắn bó với lớp.

Tuy nhiên, áp lực công việc không thể là lý do bao biện cho hành vi bạo hành trẻ. Phía sau đó, là câu chuyện nhiều cô giáo mầm non theo nghề nhưng không yêu nghề, không phù hợp với công việc mình đang theo đuổi.

“Chiếc mặt nạ” nhiều giáo viên mầm non đeo trước mặt phụ huynh và “gỡ xuống” khi chỉ còn những đứa trẻ không chỉ nói về áp lực của các cô. Nó còn phản ánh rõ nét những khuôn mặt khổ sở, đày đọa bản thân trong công việc đang làm.

Họ không yêu nghề, không phù hợp với công việc mình đang theo đuổi, không tìm thấy hạnh phúc trong công việc, hạnh phúc bên những đứa trẻ. Họ đang không sống thật với chính bản thân.

Trong khi, nói như nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM về nghề giáo, nào ai dí súng vào đầu bắt thầy cô phải chọn công việc dạy học.

Sinh viên ngành mầm non thực tập tại trường học ở TPHCM (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Hay giữa làn sóng nhiều giáo viên mầm non bỏ nghề, đi cùng phương án giữ chân giáo viên, một chuyên gia giáo dục ở TPHCM cho rằng, có khi giáo viên bỏ nghề không phải là tín hiệu xấu.

Bởi có thể lắm, công việc này không phù hợp với họ, không tốt cho họ, không tốt cho những đứa trẻ. Rời nghề, có thể họ sẽ hạnh phúc hơn, đóng góp được hiệu quả hơn…

Như lời nói của nữ bảo mẫu trong vụ bạo hành trẻ chấn động xảy ra ở trường mầm non tư thục Phương Anh, TPHCM, khi đứng trước tòa: “Tôi không yêu và không phù hợp với công việc chăm sóc trẻ nhỏ”.

Điều này có lẽ còn dành cho nhiều người trong nghề mầm non, hàng ngày vẫn đang phải “đeo mặt nạ” để đón trẻ?!

Nguồn : https://dantri.com.vn