Báo nước ngoài cảnh báo về tình trạng chặt chém ở Việt Nam

 Nạn lừa đảo, chặt chém khi có ở hầu hết điểm du lịch trên thế giới và Việt Nam không ngoại lệ.

Tạp chí du lịch Anh Outlook Traveller đăng tải bài viết liệt kê các sự cố du khách chưa có kinh nghiệm dễ gặp phải khi du lịch Việt Nam và gợi ý cách phòng tránh.

Thuê xe máy

Tờ Outlook Traveller khuyên du khách nên cẩn trọng khi thuê xe máy hoặc đi xe ôm. Nếu thuê xe, nên chọn những cửa hàng uy tín, được đánh giá tốt bởi những du khách từng sử dụng dịch vụ, có hợp đồng rõ ràng. Trước khi đặt cọc tiền và ký hợp đồng cần kiểm tra kỹ tình trạng xe, chụp ảnh những chỗ hư hỏng và báo lại ngay với cửa hàng để tránh mất tiền đền oan. Khi đỗ xe cần khóa cẩn thận đề phòng trộm cắp. Du khách tham gia giao thông ở Việt Nam được khuyên luôn đội mũ bảo hiểm và lái xe với tốc độ từ tốn. Nếu không thuê xe tự lái, du khách nên đặt dịch vụ taxi hoặc xe ôm công nghệ để đảm bảo không bị chặt chém về giá.

Sarah Scotti và chồng đến từ Melbourne (Australia), thuê xe máy khám phá vùng ven Hà Nội. Ảnh: Tú Nguyễn

Sarah Scotti và chồng đến từ Melbourne (Australia), thuê xe máy khám phá vùng ven Hà Nội. Ảnh: Tú Nguyễn

Mua trái cây vỉa hè

Theo tạp chí du lịch Anh, một số du khách từng gặp trường hợp bị người bán trái cây dạo “thân thiện tiếp cận” và mời ăn thử vài loại quả, uống thử nước dừa. Khi du khách đồng ý dùng thử, người bán hàng liền đòi tiền với “mức giá cắt cổ” hoặc yêu cầu du khách trả tiền cho một số dịch vụ khác như chụp ảnh hay xách hành lý hộ.

Để tránh tình huống này, du khách hãy lịch sự từ chối bất kỳ lời đề nghị nào từ những người bán hàng rong hoặc bất kỳ ai tiếp cận để chèo kéo bán hàng. Trong trường hợp muốn mua, du khách nên thỏa thuận trước về giá và chỉ thanh toán sau khi nhận và kiểm tra hàng.

Địa chỉ giả mạo

Các nhà hàng, khách sạn hoặc công ty du lịch nổi tiếng ở Việt Nam thường xuyên bị giả mạo để lừa đảo. Các công ty giả mạo này vẫn cung cấp dịch vụ như quảng cáo nhưng chất lượng và sản phẩm kém hơn nhiều so với mức giá du khách bỏ ra. Để tránh điều này, tờ Outlook Traveller khuyên du khách cần kiểm tra kỹ tên và địa điểm của các doanh nghiệp cho nhiều kết quả trùng lặp khi tìm kiếm. Có thể đọc các bài đánh giá trên những trang tư vấn uy tín hoặc tham khảo thông tin ở những trang web chính thống của địa phương.

 

Dịch vụ taxi

“Khi đi du lịch ở , cần thận trọng khi sử dụng dịch vụ taxi”, tờ Outlook Traveller viết. Nếu không đặt xe qua ứng dụng, du khách nên tham khảo hai công ty lớn. Du khách phải luôn kiểm tra đồng hồ tính tiền và lưu ý xem giá vé có tăng quá nhanh hay không. Một số tài xế có thể đòi tiền tip, nhưng du khách có thể từ chối và chỉ trả đúng số tiền trên ứng dụng, trên đồng hồ tính km.

Dịch vụ xích lô

Đây là dịch vụ phổ biến ở một số điểm du lịch tại như Hà Nội hay TP HCM. Tuy nhiên, một số người đạp xích lô có “chiêu trò chặt chém” du khách bằng cách đi đường vòng dài hơn để tính thêm phí hoặc trả khách ở điểm dừng không đúng yêu cầu. Để tránh điều này, du khách chỉ nên sử dụng xích lô khi đi quãng đường ngắn để ngắm cảnh và thương lượng giá cả trước khi lên xe. Nên sử dụng bản đồ hoặc GPS để theo dõi lộ trình và điểm đến, tránh để tài xế đưa đến các cửa hàng hoặc điểm tham quan nào mà bạn không muốn ghé thăm.

Đi ăn tại nhà hàng

Tờ Outlook Traveller khuyên du khách nên ghé những địa điểm ăn uống có thực đơn niêm yết giá rõ ràng. Tại nhiều hàng quán, thực đơn thường không ghi giá, du khách gọi món mà không hỏi giá tiền có thể bị “chém giá cắt cổ”. Nên ghé các quán ăn do người dân địa phương giới thiệu, địa điểm được đánh giá tốt trên các ứng dụng tư vấn du lịch.

Thống nhất đơn vị tiền tệ

Một số du khách từng rơi vào tình huống người bán báo giá ngoại tệ nhưng hiểu lầm là giá tiền địa phương và bối rối khi thanh toán. Vài nơi còn không ghi đơn vị tiền mà chỉ ghi số tiền. Tạp chí du lịch khuyên du khách nên thống nhất giá bằng đồng tiền địa phương trước khi thanh toán và xác nhận lại số tiền để tránh nhầm lẫn.

Cẩn trọng với nạn cướp giật

Để tránh trở thành nạn nhân của những vụ giật đồ, du khách nên sử dụng một chiếc túi có móc cài hoặc dây đeo chắc chắn. Cố gắng tránh ngồi hoặc đi quá gần đường. Không nên cầm điện thoại và ví trên tay khi đi bộ trên đường để tránh bị giật.

Đồ da giả

Nhiều điểm du lịch ở Việt Nam như Hội An hay TP HCM có những cửa hàng bán sản phẩm giả da. Nếu muốn đảm bảo chất lượng, du khách nên kiểm tra sản phẩm cẩn thận trước khi mua, xem kỹ đường khâu, mùi da, kết cấu và màu sắc. Nếu nghi ngờ đó là hàng giả có thể yêu cầu thử bằng cách dùng bật lửa đốt nóng một miếng kim loại và đặt lên bề mặt sản phẩm, nếu bị biến dạng là sản phẩm giả.

Bích Phương (Theo Outlook Traveller)