Xôn xao hình ảnh cụ ông cụ bà đứng thẫn thờ trong ngôi nhà bị hàng xóm xây tường bịt kín cửa: Pháp luật quy định thế nào?

 

Xôn xao hình ảnh cụ ông cụ bà đứng thẫn thờ trong ngôi nhà bị hàng xóm xây tường bịt kín cửa: Pháp luật quy định thế nào?



Dù chưa biết thực hư của vụ việc nhưng đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Mới đây MXH chia sẻ hình ảnh về một hộ gia đình bị hàng xóm xây bịt lối đi vào nhà khiến cộng đồng mạng xôn xao. Theo những hình ảnh được chia sẻ, chủ nhân của ngôi nhà được cho là 2 cụ ông cụ bà khoảng 80 tuổi. Bên ngoài ngôi nhà, nhiều người đàn ông đang dùng gạch xây tường chặn kín cửa ra vào ngôi nhà, trong khi 2 người cao tuổi chỉ có thể thẫn thờ đứng nhìn.

Ngôi nhà của cụ ông cụ bà bị hàng xóm xây bịt lối vào nhà.

Lối vào nhà bị xây bịt hoàn toàn.

Ngay sau khi những hình ảnh trên được đăng tải lên MXH đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Dù chưa biết thực hư của vụ việc tuy nhiên nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra, còn pháp luật quy định thế nào?

Hàng xóm xây tường chắn cửa: Kiện được không?

Trong cuộc sống hàng ngày, hàng xóm láng giềng ít nhiều cũng sẽ có phát sinh mâu thuẫn. Từ những mâu thuẫn này, nhiều người thậm chí còn xây tường rào trên đất của mình để chắn lối ra vào nhà người khác. Vậy việc xây tường rào trên đất nhà mình nhưng chặn cửa nhà người khác thì ai đúng ai sai?

Về vấn đề này, dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc Hãng Luật TGS cho biết:

Tranh chấp liên quan đến lối đi chung là tranh chấp phổ biến hiện nay, hầu hết đều xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân giữa các chủ sử dụng đất liền kề với nhau. Theo quy định tại Điều 254 Bộ luật dân sự 2015 thì chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Như vậy cần xác định chủ sở hữu bất động sản còn lối đi nào khác ngoài lối đi bị xây tường chắn hay không.

Trường hợp lối đi duy nhất bị xây tường rào chắn, người sử dụng không thể hoặc không đủ lối đi ra đường thì người này có thể thỏa thuận với chủ sử dụng các bất động sản liền kề mở lối đi qua bất động sản của họ.

Trường hợp hai bên không thể thỏa thuận, thống nhất, chủ sở hữu bất động sản không có lối đi có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân nơi có bất động sản giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp chủ sở hữu bất động sản vẫn còn lối đi khác và người xây tường rào chắn không vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai thì người này không có quyền khởi kiện.

Như vậy, khi bị hàng xóm xây tường rào chắn cửa, chủ nhà có thể khởi kiện ra Tòa án để giải quyết tranh chấp nếu đó là lối đi duy nhất để ra vào.

Ngược lại, nếu không phải lối đi duy nhất để ra vào thì chủ nhà chỉ có thể tìm cách hòa giải với bên còn lại để tự thỏa thuận với nhau.

Theo khoản 1 Điều 176 Bộ luật Dân sự 2015, chủ sở hữu bất động sản được xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình.

Tuy nhiên, khoản 2 Điều 176 cũng quy định:

Các chủ sở hữu bất động sản liền kề có thể thoả thuận với nhau về việc dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên ranh giới để làm mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản; những vật mốc giới này là sở hữu chung của các chủ thể đó.

Trường hợp mốc giới ngăn cách chỉ do một bên tạo nên trên ranh giới và được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý thì mốc giới ngăn cách đó là sở hữu chung, chi phí để xây dựng do bên tạo nên chịu, trừ trường hợp có thoả thuận khác; nếu chủ sở hữu bất động sản liền kề không đồng ý mà có lý do chính đáng thì chủ sở hữu đã dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn phải dỡ bỏ.

Như vậy, mặc dù việc xây hàng rào trên đất mà mình có quyền sử dụng là không sai, nhưng vẫn cần phải phù hợp với tình hình thực tế nếu không có thể sẽ phải dỡ bỏ.

Theo PV (Phụ Nữ Mới)

https://phunumoi.net.vn