Gia đình ông Thích Minh Tuệ vừa gửi đơn đề nghị tới các cơ quan chức năng, vì sao?

 

Gia đình ông Thích Minh Tuệ vừa gửi đơn đề nghị tới các cơ quan chức năng, vì sao?



(Dân trí) – Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, việc ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) ẩn tu đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, rất nhiều thông tin sai lệch, xuyên tạc ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) cho rằng, thay vì tôn trọng quyền cá nhân ẩn tu của ông Thích Minh Tuệ, nhiều người tiếp tục tìm ông và gia đình ông để quay phim chụp ảnh đăng tải các video với mục đích câu view câu like.

Mặc dù, chính ông Thích Minh Tuệ đã không ít lần bày tỏ mong muốn của mình nhưng nhiều người dân vẫn tiếp tục đi theo ông.

Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, sau khi ông Thích Minh Tuệ dừng cuộc bộ hành để ẩn tu, các đối tượng chống phá đã lợi dụng sự việc này để xuyên tạc chính sách tôn giáo ở Việt Nam, đưa tin sai sự thật về việc phân biệt đối xử đàn áp tôn giáo.

Thậm chí, họ còn bịa đặt ông Thích Minh Tuệ bị bắt, cưỡng bức buộc phải dừng việc tu tập.

Ông Thích Minh Tuệ (Ảnh: NLĐ).

Thực tế, theo Ban Tôn giáo Chính phủ, sau những ngày ẩn tu, ông Thích Minh Tuệ đã chia sẻ tinh thần và sức khỏe vẫn tốt, đảm bảo để học tập theo lời Phật dạy.

“Mới đây, gia đình ông Lê Anh Tú cũng đã có đơn đề nghị gửi các cơ quan chức năng xử lý những trường hợp lợi dụng hình ảnh của ông Lê Anh Tú để đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội gây ảnh hưởng đến ông Lê Anh Tú và gia đình ông”, Ban Tôn giáo Chính phủ cho hay.

Cơ quan này khẳng định, việc tu tập thực hành giáo lý nhà Phật là nhu cầu chính đáng của người dân và được pháp luật bảo hộ. Quyết định dừng bộ hành để ẩn tu của ông Thích Minh Tuệ cần được tôn trọng.

Như Dân trí thông tin trước đó, trưa 3/6, Ban Tôn giáo Chính phủ thông tin, ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) sinh năm 1981 tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; đăng ký hộ khẩu thường trú tại xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai; hiện không có địa chỉ cư trú cố định, chưa làm căn cước công dân.

“Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định ông Lê Anh Tú không phải là tu sĩ Phật giáo; bản thân ông Lê Anh Tú cũng không nhận mình là tu sĩ Phật giáo, chỉ là công dân tu học theo lời dạy của Đức Phật”, cơ quan này cho hay.

Ông Thích Minh Tuệ bắt đầu tự tu, thực hành khất thực từ năm 2017 đến năm 2023 và đã 3 lần đi bộ từ Nam ra Bắc, rồi ngược lại.

Năm 2024 là lần thứ 4 ông đi bộ. Trên hành trình lần này của ông Thích Minh Tuệ đã xảy ra hiện tượng tập trung đông người đi theo, gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự và cảnh quan môi trường.

Đặc biệt, ngày 30/5 xảy ra việc một người đàn ông trong đoàn người đi theo có tên là Lương T.S. (quận 1, TPHCM) bị sốc nhiệt, suy đa tạng, xuất huyết tiêu hóa dẫn tới tử vong.

Ngày 2/6 có 2 người phụ nữ khi đi theo ông Thích Minh Tuệ cũng bị sốc nhiệt, đuối sức, nằm gục trên mặt đường đã được cơ quan chức năng kịp thời đưa đến bệnh viện điều trị.

Các cơ quan chức năng đã gặp gỡ, trao đổi với ông Lê Anh Tú. “Ông Lê Anh Tú đã nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của công dân, tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực”, Ban Tôn giáo Chính phủ khẳng định.